Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Mạng lưới y tế cơ sở ở Sơn La còn nhiều bất cập - Nhân Dân


Chồng chất khó khăn

Từ thị trấn huyện Mường La, theo con đường cấp phối khoảng hai km, chúng tôi ghé thăm trạm y tế xã Ít Ong, cách đại công trình thủy điện Sơn La chỉ vài “con dao quăng”. Trạm y tế xây theo mô hình cũ cách đây mười năm, cho nên từ phòng làm việc của cán bộ, nhân viên đến phòng sinh đẻ chỉ rộng từ tám đến  mười m2. Hai buồng lưu người bệnh cũng chật chội và ẩm thấp, được đặt ở dãy nhà nhỏ lợp ngói, tường đất xiêu vẹo. Dụng cụ, thiết bị chẳng có gì ngoài bộ khám bệnh thông thường, cho nên người bệnh nào bị nhức đầu, hay đau bụng, trạm cũng đã phải giới thiệu chuyển lên bệnh viện huyện. Cách đây sáu năm, nhằm phục vụ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho hơn mười nghìn cán bộ, công nhân thi công xây dựng công trình thủy điện Sơn La, Bệnh viện đa khoa Mường La được đầu tư xây dựng. Khi chúng tôi đến thăm, điều dễ nhận ra là gạch lát trong một số buồng bệnh và hành lang phần lớn ở các tầng đều bị bong tróc. Ðiều đáng nói là, theo quy định, Khoa Truyền nhiễm trong một bệnh viện phải bố trí ở một khu biệt lập, nhưng ở Bệnh viện đa khoa Mường La, do thiếu phòng nên đành sắp xếp bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ở chung với các khoa khác. Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Mai Ngọc Hà cho biết: Chúng tôi mong muốn Trung tâm y tế huyện sớm xây dựng ở địa điểm mới, để có thêm diện tích cho các hoạt động của bệnh viện; chứ như lâu nay biên chế bệnh viện 100 giường bệnh nhưng thường xuyên có 150 trường hợp nằm điều trị.

Sơn La là tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc, có diện tích tự nhiên hơn 14 nghìn 174 km2, lớn thứ hai cả nước với số dân hơn 1,1 triệu người (bao gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống). Không kể có 250 km đường biên giới với nước bạn Lào, địa hình của Sơn La bị chia cắt hết sức phức tạp bởi núi cao, vực sâu, suối lạch chằng chịt. Toàn tỉnh vẫn còn năm huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức gần 40%. Ðã qua thời kỳ còn không ít xã vùng cao, biên giới thuộc các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai “trắng” về y tế; các bệnh truyền nhiễm gây dịch, nhất là những trận dịch sốt rét khủng khiếp xảy ra cướp đi sinh mạng của cả trăm người ở các bản, làng của Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã, Mai Sơn… mà nguyên nhân chính là hoạt động của ngành y tế còn nhiều yếu kém. Ðến nay, hệ thống y tế tỉnh Sơn La khá hoàn chỉnh với bảy bệnh viện tuyến tỉnh, 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 13 phòng khám đa khoa khu vực với hơn 1.230 giường điều trị (chưa kể giường bệnh ở 204 trạm y tế xã). Bên cạnh đó, hoạt động của phòng dịch, nhất là việc giám sát dịch tễ và ngăn chặn kịp thời các dịch lớn, nhỏ đã giúp Sơn La năm năm trở lại đây cơ bản đẩy lùi được các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch. Tuy nhiên đánh giá một cách nghiêm túc, mạng lưới khám, chữa bệnh nhất là tuyến y tế cơ sở ở Sơn La còn nhiều hạn chế, bất cập. Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, bác sĩ Trần Văn Ngọc cho biết: Khoảng 180 trạm y tế/204 trạm được xây dựng theo mô hình cũ, nhà cấp bốn cách đây 15 đến 17 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðáng chú ý đến thời điểm này, bên cạnh ba xã mới thành lập chưa xây dựng được trạm y tế như Nà Bó (Mai Sơn), Háng Ðồng, Hua Nhàn (Bắc Yên) thì trạm y tế thị trấn các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu, Sông Mã, Bắc Yên vẫn phải mượn một, hai phòng trong trụ sở UBND cùng cấp. Nằm trong tình hình chung các tỉnh miền núi Tây Bắc, Sơn La có tỷ lệ bác sĩ công tác tại xã còn thấp (kể cả luân chuyển cán bộ theo Ðề án 1816 mới đạt 65,2%). Một tình trạng chung kéo dài nhiều năm nay là phần lớn các trạm y tế ở Sơn La không có dược tá, tỷ lệ cán bộ y học cổ truyền quá thấp; trang thiết bị nhìn chung là cũ, bị hư hỏng, ngay dụng cụ, thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản gọi là tương đối đầy đủ ở các trạm y tế của tỉnh cũng chỉ đạt 25%; đến nay toàn tỉnh mới có hơn 38% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Ðáng mừng là phần lớn các bệnh viện đa khoa tuyến huyện trong tỉnh được đầu tư nâng cấp xây dựng trong thời kỳ 2008 – 2011, theo Quyết định số 47/2008/QÐ-TTg sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, từ khi thực hiện các Nghị định số 171 và 172 (năm 2004) của Chính phủ, hình thành ba đơn vị y tế tuyến huyện thì việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm y tế huyện gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Không kể Trung tâm y tế huyện Mường La đang được xây dựng (dự kiến đầu năm 2013 hoàn thành) thì hầu hết trung tâm y tế các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai… vì phải ở nhờ trong bệnh viện huyện, hoặc thuê của cơ quan khác, nhà cửa lại xây dựng cách đây 20 đến 30 năm cho nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðiều đó dẫn đến  việc triển khai các chương trình y tế quốc gia, nhất là về mùa mưa lũ gặp nhiều khó khăn. Không ít bản làng vùng cao, biên giới đang tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ bùng phát một số bệnh dịch: tiêu chảy, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não và bệnh dại…

Sự “vào cuộc” cần thiết

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng như của tỉnh, ngành y tế Sơn La đang thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp, trong đó trọng tâm là tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Với các mục tiêu và nhiệm vụ được xác định là: Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nhằm không ngừng tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Phấn đấu đến năm 2015, phần lớn các xã có trạm y tế kiên cố theo chuẩn quốc gia (trong đó có 52% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế). Một mặt, kiện toàn tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm y tế huyện, thành phố để nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các loại dịch bệnh. Mặt khác, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực (nhất là cán bộ dược và các chuyên khoa lẻ) còn thiếu trầm trọng nhằm nâng quy mô giường bệnh cho hệ thống bệnh viện đa khoa huyện. Theo đó, căn cứ vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cụ thể của từng đơn vị để năm 2012, Sơn La bố trí thêm 140 giường cho các bệnh viện tuyến huyện. Tương tự sang năm 2014, nâng thêm 150 giường và đến năm 2015 con số này được tăng thêm 130 giường nhằm đạt tới 22,09 giường bệnh/10 nghìn dân trong toàn tỉnh. Mặt khác, duy trì Ðề án 1816, thường xuyên coi trọng văn hóa giao tiếp, ứng xử với người bệnh, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc tại tuyến cơ sở. Ðồng thời hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm dân số – kế hoạch hóa gia đình các huyện, không ngoài mục đích tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ y tế…

Ðể thực hiện những nhiệm vụ nặng nề ấy, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh Sơn La thì điều có ý nghĩa quyết định là sự “vào cuộc” quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; và trước hết là ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho ngành y tế như một số nơi.

Source Article from http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/m-ng-l-i-y-t-c-s-s-n-la-con-nhi-u-b-t-c-p-1.377122



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét