Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Di cư cá tầm lên thượng nguồn sông Đà


Rất nhiều hộ dân vùng ven hồ Thủy điện Sơn La mấy năm gần đây đã chuyển sang một ngành nghề mới: nuôi cá tầm trong lòng hồ. Một dự án với tham vọng biến nơi đây thành nơi nuôi cá tầm lớn nhất miền Bắc đã được xây dựng.

Nhộn nhịp tuyển lao động xuất khẩu sau Tết
Đào móng nhà, cả làng trúng bạc

Thủy điện Sơn La đã biến vùng thượng nguồn sông Đà thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thành vùng lòng hồ rộng lớn. Nhờ đó cư sinh sống ven lòng hồ đã phát triển nghề mới là đó là nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tự nhiên và mô hình nuôi cá tầm làm kinh tế lần đầu tiên được triển khai tại Tây Bắc.

Bốn hợp tác xã đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã hình thành ở huyện Quỳnh Nhai, gồm các xã Mường Giàng, Chiềng Ơn…

Chị Vũ Thị Hạnh Lợi, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi cá tầm Hạnh Lợi (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nha) cho biết: hợp tác xã nuôi cá tầm của chị được thành lập từ tháng 11/2011, với 15 xã viên người địa phương cùng hợp tác góp vốn nuôi cá tầm.


Tháng 11/2011, hợp tác xã thả thí điểm đợt một 2.200 cá tầm giống được mua từ Công ty Thủy sản 1 (Sa Pa, Lào Cai) với giá 55.000 đồng/con giống. Các đợt tiếp theo được thả với số lượng từ 1.000 con giống trở lên. Tổng số đàn cá hiện đang được HTX nuôi thả lên đến cả vạn con.

Thời điểm ban đầu nuôi thí điểm, HTX được mượn 400m2 mặt hồ thuộc xã Chiềng Ơn, đoạn chân cầu Pá Uôn để thả lồng nuôi. Lồng nuôi cá được thả chìm, sử dụng lưới đặc chủng với hệ thống thùng phuy rỗng để làm phao nổi. Khu nhà canh cá đồng thời cũng là nhà kho được dựng ngay trên bè nổi, liền kề với dãy chuồng…

Hiện tại, đàn cá tầm sau gần một năm phát triển đã đạt trọng lượng từ 3-4kg/con. Giá cá tầm ngoài thị trường được bán dao động ở mức 250 – 300.000đồng/kg. “Tổng thể đầu tư ban đầu của HTX trên dưới 2 tỷ đồng. Khi cá đến tuổi thu hoạch sẽ cho lợi nhuận hàng tỷ đồng, điều này khiến các xã viên rất phấn khởi” – chị Hạnh cho hay.

Chị Hạnh kể, thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên HTX bị thất thoát một lượng lớn cá từ các lồng nuôi ra bên ngoài tự nhiên. Nguyên nhân: do lưới làm lồng không đủ chất lượng, bị các cành củi mục vướng vào làm rách lưới. Qua chỗ lưới rách đó, một lượng lớn cá tầm nuôi đã thất thoát ra bên ngoài. Nhiều thuyền đi đánh bắt tự nhiên bắt được, ban đầu còn không biết đó là cá gì.

“Bây giờ, sau những lần “trả học phí” như thế, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Lưới làm lồng phải là lưới đặc chủng, tuổi thọ từ 5-6 năm. Xã viên cũng thường xuyên nhấc lồng lên để kiểm tra lưới để tránh việc lưới bị rách vì giắt phải cành cây, vật thể lạ trôi nổi”.

Diện tích mặt hồ tích nước thủy điện Sơn La rất rộng nên tiềm năng để phát triển, nuôi trồng thủy sản nước ngọt rất lớn. HTX cá tầm Hạnh Lợi đang làm các thủ tục để thuê thêm diện tích mặt hồ, mở rộng quy mô chuồng nuôi.

“Chúng tôi đang nhập thêm 5.000 con giống cá tầm và xây dựng thêm 20 lồng nuôi thả nổi trên mặt nước. Hiện tại, mô hình này đang ở giai đoạn đầu tư ban đầu chưa cho khai thác, nhưng tới đây, đàn cá nuôi hơn một năm được khai thác sẽ cho thu nhập để trả lương công nhân, chia lợi nhuận cho các xã viên” – chủ nhiệm HTX cá tầm Hạnh Lợi lạc quan.


Lồng nuôi cá tầm trong lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hiện tại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên dự án  nuôi thủy sản tại lòng hồ thủy điện Sơn La.

Mục tiêu của dự án đến năm 2020 sẽ đạt được sản lượng ít nhất 500 tấn cá thương phẩm, trong đó có cả cá đặc sản địa phương và cá tầm với kỳ vọng sẽ biến lòng hồ thủy điện Sơn La là điểm nuôi cá tầm quy mô lớn nhất miền Bắc.

Đầu tư ra nước ngoài bắt đầu thu lợi
Ngân hàng "chặt đẹp" người dùng thẻ

Kiên Trung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét