Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2012


“Cởi trói” tài chính cho nhà khoa học

Luật KHCN sửa đổi đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở kỳ họp thứ 4. Dự thảo lần này bổ sung một số quy định làm rõ khái niệm nhiệm vụ KHCN, phân cấp nhiệm vụ KHCN, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt nhiệm vụ KHCN nhằm khẳng định rõ không chỉ trách nhiệm của Bộ KHCN mà cả trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương từ khâu đề xuất, phê duyệt nhiệm vụ cho đến khâu tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa tổ chức KHCN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KHCN với doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ KHCN, mấu chốt trong sửa đổi luật lần này là tạo ra cơ chế thông thoáng để các nhà khoa học có thể chuyên tâm vào khoa học, nghĩa là làm khoa học một cách thực sự. Nó giống như một sự “cởi trói” những khó khăn bấy lâu về cơ chế tài chính đã “kìm chân” các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến.

Thủy điện Sơn La sở hữu nhiều kỷ lục



Thủy điện Sơn La chính thức đưa vào sử dụng sau 7 năm thi công và đang sở hữu nhiều kỷ lục tầm cỡ thế giới, khu vực Đông Nam Á và trong nước. Với công suất lắp đặt 2.400MW, Thủy điện Sơn La là nhà máy có công suất lớn nhất trong nấc thang thủy điện trên thượng lưu sông Đà (thủy điện Hòa Bình: 1.920 MW; thủy điện Lai Châu: 1.200MW); lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước). Thời gian thi công thủy điện Sơn La đã được rút ngắn chỉ còn một nửa nếu so với 15 năm xây dựng thủy điện Hòa Bình.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều thần kỳ ấy, trong đó phải kể đến dấu ấn của việc đắp đập bê tông đầm lăn, hạng mục quan trọng hàng đầu của công trình thủy điện Sơn La.

Sông Tranh 2 có các trạm quan trắc động đất



Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012, thị trấn nhỏ Bắc Trà My (Quảng Nam) hứng chịu hơn 70 trận động đất lớn nhỏ. 2 trận động đất lớn nhất có cường độ 4,6 và 4,7 độ richter diễn ra vào ngày 22/10/2012 và 16/11/2012 đã khiến người dân thực sự hoảng loạn.

Dù chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây động đất, nhưng ít nhất người dân đã có thể an tâm với việc Viện KHCN Việt Nam lắp đặt 5 trạm quan trắc động đất. Cùng với đó, sẽ có các nhà khoa học của Viện túc trực để theo dõi diễn biến động đất ở khu vực này. Nếu nhận định của các nhà khoa học là có cơ sở thì động đất sẽ bước vào chu kỳ giảm dần và kết thúc.

Đặt hàng nghiên cứu khoa học



Đó là chuyển biến mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học mà Sở KHCN TPHCM UBND thành phố sẽ đưa vào thực hiện từ đầu năm 2013. Theo đó, khi đề tài nghiên cứu được thông qua, Sở KHCN TPHCM sẽ ký thêm một hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển KHCN với chủ nhiệm đề tài. Sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản bất kỳ của nhà khoa học chứ không nhất thiết ở kho bạc và họ được toàn quyền chi tiêu cho công việc nghiên cứu.

Cũng từ năm 2013, Sở KHCN sẽ áp dụng phần mềm quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học. Mỗi tháng chủ nhiệm đề tài phải gửi một thông báo (không phải là báo cáo khoa học) đã làm được những gì, làm tới đâu. Tháng nào không nộp thông báo sẽ có cảnh báo. Ba tháng liền không thông báo, Sở sẽ dừng đề tài, đòi lại tiền.

Quả ngọt từ cơ chế tự chủ

Đã có 267 tổ chức (trong số 585 tổ chức KHCN công lập thuộc diện chuyển đổi) được phê duyệt đề án chuyển đổi sang cơ chế tự chủ. Trong đó, nhiều tổ chức KHCN được chuyển đổi đã có những sản phẩm, kết quả nghiên cứu được thương mại hóa phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp.

Từ sau 3 – 5 năm, một số doanh nghiệp KHCN lĩnh vực công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng vài trăm và vài ngàn lần so với lúc mới thành lập. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp KHCN được hình thành ngay trong hoặc bên cạnh các trường đại học, các viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp này đều làm chủ công nghệ, có năng lực khai thác hiệu quả.

Tìm ra nguyên nhân gây cháy xe



Từ ngày 1/1/2010 – 30/8/2012 đã có 377 xe ô tô và 126 xe máy bị cháy. Các vụ cháy xảy ra với ô tô và xe máy của nhiều hãng khác nhau gồm cả xe cũ và xe mới. Hiện tượng cháy nổ xảy ra cả với ô tô có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng và diesel. Nhiều mối ngờ được đưa ra để vạch mặt thủ phạm gây cháy xe. Cho đến ngày 12/11/2012, Bộ KHCN mới tổ chức công bố chính thức kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài cấp nhà nước điều tra, đánh giá thực trạng, nguyên nhân cháy nổ ô tô và xe máy.

Nguyên nhân từ hãng sản xuất xe được loại trừ, nguyên nhân từ xăng dầu đang lưu hành cũng được loại trừ. Chỉ cần sử dụng xe đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, không mua xăng dầu ở các địa chỉ thiếu minh bạch… là người dân đã có thể thở phào nhẹ nhõm về khả năng gây cháy xe.

Tôn vinh tài năng trẻ về KH-CN quy mô toàn quốc

Đầu tháng 11/2012, Trung ương Đoàn cùng Bộ KHCN đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ KHCN Việt Nam 2012.

Sự kiện này là diễn đàn gặp mặt của 250 đại biểu toàn quốc, gồm 181 tài năng trẻ KHCN có thành tích đặc biệt xuất sắc, có quá trình cống hiến, có công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao, giải pháp sáng tạo… và 69 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác tài năng trẻ của các tỉnh, thành. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ và tôn vinh với quy mô toàn quốc các tài năng trẻ KHCN, qua đó cổ vũ các tài năng trẻ dấn thân trong nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng KHCN vào cuộc sống.

Tự đóng mới tàu cảnh sát biển lớn nhất



Sáng 23/10, tàu DN 2000 mang số hiệu CSB 8001 đã được Cục Cảnh sát biển Việt Nam, đại diện nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) và hãng đóng tàu DAMEN (Hà Lan) hạ thủy.

Đây là tàu Cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam. Được thiết kế để hoạt động ổn định ở điều kiện sóng gió cấp 9, tàu DN 2000 có thể kéo các tàu khác có độ giãn nước hàng nghìn tấn trên biển. Khi hoạt động trên biển, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý một giờ và tầm hoạt động đạt 5.000 hải lý (hơn 9.000km).

Bước tiến mới trong chinh phục vũ trụ



Ngày 16/5, Việt Nam phóng thành công vệ tinh VINASAT-2. Sau đấy không lâu, phòng nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT cũng công bố phóng thành công vệ tinh F1 do FSpace tự chế tạo.

Tiếp sau đó, ngày 19/9, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được khởi công. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có diện tích 9ha với nhiều khu chức năng như trung tâm điều khiển công nghệ vũ trụ, trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, nhà điều hành, trạm thiên văn, khu nghiên cứu, đào tạo, trạm mặt đất thu dữ liệu từ vệ tinh. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và sẽ là Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.

Với những sự kiện này, nhiều người cho rằng chúng ta đã tiến được một bước xa trong việc chinh phục và làm chủ vũ trụ.

Máy phát điện chạy bằng nước



Đầu năm 2012, TS Nguyễn Chánh Khê, Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM, đã phát minh ra phương pháp dùng công nghệ nano để “đốt” nước thành.. điện. Theo đó, điện được tạo ra từ nước nhưng không phải là thủy điện, không phải là điện phân và cũng không phải là điện giải. 

Hệ thống hoạt động theo nguyên lý phản ứng hóa học nước gặp một chất, phản ứng thành khí, khí này qua chất xúc tác biến thành điện. Sau đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức hội thảo để thẩm định, đánh giá phát minh của TS Nguyễn Chánh Khê. Tuy nhiên, sau hội thảo vẫn chưa có một kết luận khoa học rõ ràng về phát minh này.

TIN LIÊN QUAN:

TIN ĐỌC NHIỀU:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét