Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Mạch nguồn Khau Cả


Từ đó, phong trào cách mạng ở Sơn La lan rộng, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Sau bao năm, câu chuyện lịch sử bên di tích Nhà tù Sơn La vẫn được trân trọng lưu giữ, truyền cho thế hệ mai sau.

Một chiều nắng ấm hiếm hoi giữa mùa đông, tôi được các đồng nghiệp trong Chi hội nhiếp ảnh tỉnh Sơn La cùng sáng tác ảnh chuyên đề “Nhân chứng và sự kiện” về cụ Lò Văn Sôn, lão thành cách mạng, nguyên

Tỉnh đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Cụ Lò Văn Sôn, dân tộc Thái, từng là lính cai ngục thời Pháp, được chi bộ Nhà tù Sơn La giác ngộ theo cách mạng, từ đó trở thành cán bộ cốt cán phong trào cách mạng ở Sơn La và Khu Tây Bắc. Mùa xuân này, cụ bước sang tuổi 94, với 65 năm tuổi Ðảng. Tuổi cao nhưng cụ vẫn nhanh nhẹn, đặc biệt là suy nghĩ minh mẫn và nhiệt huyết cách mạng thì dường như không có tuổi.

Cụ Sôn kể, cuối tháng 12-1939, chi bộ lâm thời Nhà tù Sơn La do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư chi bộ đã bí mật thành lập. Ðến tháng 2-1940, đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư, chi bộ thảo luận đề ra năm chương trình hành động, trong đó nhấn mạnh chủ trương biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tăng cường tuyên truyền giáo dục, rèn luyện đào tạo cán bộ, xây dựng phát triển tổ chức quần chúng ở ngoài nhà tù. Chính từ chủ trương đó, tháng 8-1943, chi bộ đã chỉ đạo tổ chức cuộc vượt ngục thành công cho các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Ðăng Ninh, Lưu Ðức Hiểu do người thanh niên dân tộc Thái yêu nước Lò Văn Giá dẫn đường. Sau cuộc vượt ngục lịch sử duy nhất thành công ở Nhà tù Sơn La, người thanh niên Lò Văn Giá quay trở về thì bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man, rồi thủ tiêu một cách hèn mạt. Năm 1994, Ðảng và Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho người thanh niên dân tộc Thái ưu tú Lò Văn Giá đã mưu trí, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Người đầu tiên tuyên truyền, làm lay động được tình cảm cách mạng đối với cai Sôn (lúc đó tuổi mới đôi mươi) là đồng chí Khuất Duy Tiến. Ngoài ra, chi bộ Nhà tù Sơn La còn vận động được nhiều binh lính ngấm ngầm ủng hộ cách mạng, giúp đỡ tù nhân chính trị, như: Quản Mười, đội Thát, đội Thê, cai Chinh, cai Piệng… Trong số những người từ phía bên kia quay trở về với cách mạng, đến nay chỉ cụ Lò Văn Sôn là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống. Vì vậy, những tấm ảnh và câu chuyện bên Nhà tù Sơn La hôm nay của chúng tôi sẽ là một phần của lịch sử rất có ý nghĩa.

Có lần tôi gặp đồng chí Lò Mai Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La, chính là con trai của cụ Quản Mười, đồng chí tâm sự: Nếu không có cách mạng, không có sự hy sinh, đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Sơn La thì gia đình đồng chí và đồng bào các dân tộc Sơn La không thể nào có cuộc sống no ấm, hạnh phúc như ngày hôm nay. Ðược biết, ngoài đồng chí Lò Mai Kiên, gia đình cụ Quản Mười còn nhiều người con trưởng thành, trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh. Chuyện riêng của gia đình đồng chí Lò Mai Kiên là hình ảnh thu nhỏ của bao gia đình ở Sơn La đang từng ngày đổi thay theo tiến trình cách mạng. Chúng tôi cảm nhận được những giá trị lịch sử to lớn bắt nguồn từ đồi Khau Cả – nơi có di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Ðồi Khau Cả là mạch nguồn bắt đầu những câu chuyện lịch sử cho đến hôm nay vẫn được chọn làm vị trí đặt trụ sở UBND tỉnh và nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh. Tại đây, ngày 26-8-1945, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Nhà tù Sơn La và căn cứ cách mạng Mường Chanh, đông đảo nhân dân đã kéo về cướp chính quyền, giải phóng Sơn La.

Trong không gian phố núi, đồi Khau Cả vẫn là một nơi linh thiêng, một vị trí đẹp có một không hai, từ đây bao quát được toàn bộ TP Sơn La trẻ đang phát triển nhanh chóng. Vào những lúc hoàng hôn hay màn đêm buông xuống, thành phố có vẻ đẹp riêng, ai cũng phải trầm trồ, xao xuyến. Phía dưới chân đồi Khau Cả là những đường phố lớn mang tên của các chiến sĩ cách mạng tiền bối, như: đại lộ Tô Hiệu, Chu Văn Thịnh, Lò Văn Giá, v.v. Tỉnh Sơn La đang thực hiện dự án cải tạo kè hai bên con suối Nậm La làm cho phố núi này đẹp hơn. Một chi tiết thú vị là không phải đến bây giờ, mà từ năm 1440 khi Vua Lê Thái Tông trên đường dẹp loạn, qua đây thấy cảnh đẹp, đã khắc trên hang đá bài thơ tả cảnh đẹp vùng đất này. Hang Vua Lê Thái Tông được công nhận Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhìn xuống cánh đồng bản Cọ, quê hương Anh hùng Lò Văn Giá, đang trở thành một phần lịch sử quan trọng của thành phố.

BÊN di tích Nhà tù Sơn La, trong bộ ảnh tư liệu về cụ Lò Văn Sôn, tôi đã có được những bức ảnh đẹp. Nhưng có lẽ, bức ảnh đẹp nhất là hình ảnh một nhóm các cháu sinh viên Trường đại học Tây Bắc thấy cụ Sôn mặc quân phục, ngực đầy Huân chương đã ríu rít vây quanh thăm hỏi, xin chụp ảnh lưu niệm. Những bức ảnh không dàn dựng, tự nhiên giữa mảnh đất lịch sử hóa ra lại sống động. Cuộc sống và số phận dường như có quy luật riêng của nó, vẫn tiếp nối với những cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động như vậy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét