Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Đưa điện sáng về vùng biên giới


Từ thị trấn huyện Mộc Châu, xuôi theo quốc lộ 6 về phía Hà Nội, đến đoạn ngã ba xã Vân Hồ, rẽ phải vào tỉnh lộ 102, vượt qua đèo đá hiểm trở dài hơn 30 km, chúng tôi đến được trụ sở UBND xã Tân Xuân.

Tân Xuân là xã biên giới nằm sâu trong khu rừng đặc dụng Xuân Nha của huyện Mộc Châu, mới được thành lập tháng 4-2007. Ðời sống sản xuất của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, với hơn 72% số hộ dân thuộc diện đói nghèo. Xã có diện tích tự nhiên 15.819 ha, 750 hộ, dân số 3.954 nhân khẩu, gồm ba dân tộc Mông 49%, Thái 38%, Mường 12,8% sinh sống ở chín bản đều chưa có điện. Những ngày đầu thành lập, đặc điểm dễ nhận biết về xã là: Không có điện, không đường ô-tô, không trường học, không trạm y tế và còn nhiều điều bắt đầu từ con số không. Bằng sự trợ giúp của Trung ương và của tỉnh, những năm gần đây, mỗi mùa xuân về, bà con lại đón thêm những niềm vui mới, bớt đi những con số không nghèo nàn, lạc hậu đeo bám đã bao năm.

Theo kế hoạch, lễ đóng điện được chọn gần sát với ngày khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La và kỷ niệm ngày truyền thống ngành điện 21-12, nhưng chúng tôi đã chủ động vào Tân Xuân sớm hơn. Vì vậy, được chứng kiến không khí trước ngày đóng điện, với niềm vui khôn tả của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân tại đây. Chủ tịch UBND xã Tân Xuân Ðinh Công Quán cho biết: Hơn sáu tháng trước, khi làm lễ khởi công xây dựng đường dây tải điện, bà con đã kéo về xã rất đông. Các bản trong xã, bản nào cũng cử đội văn nghệ tham gia, không khí vui như ngày hội, vừa háo hức, vừa lạ lẫm, mong chờ điện sáng. Còn hôm nay chưa đến ngày làm lễ chính thức, nhưng 121 hộ dân bản Bướt là bản đầu tiên có điện trong xã đã góp mỗi hộ một suất 200 nghìn đồng mua bò ăn mừng. Bò đã mua buộc ở nhà trưởng bản. Bà con bảo: Chỉ chờ có điện là “khả ngua” (tiếng Thái là thịt bò) thế mới biết, đồng bào ở đây khao khát, mong chờ điện sáng đến thế nào.

Bữa cơm mừng đón điện lưới quốc gia của bà con bản Bướt hôm ấy tổ chức ở nhà ông Trưởng bản Hà Công Tình, thật đáng nhớ. Mấy lời mở đầu bữa cơm mừng đón điện, ông trưởng bản ôn lại cuộc sống tăm tối, nghèo khổ xưa kia. Từ nay điện sáng của Ðảng đã về, người Thái, người Mường, người Mông ở vùng biên giới này cũng sẽ giống như bà con ở ngoài phố huyện, cuộc sống sẽ được cải thiện… Nói đến đây, ông trưởng bản quay mặt hướng lên phía ảnh Bác Hồ, tay nâng chén rượu, vái mấy vái, rồi cúi người nghiêng chén đổ rượu xuống sàn. Dưới ánh sáng điện, rượu từ tay ông trưởng bản chảy ra nhìn còn loang loáng, mọi người cùng vỗ tay, chúc tụng. Anh bạn ngồi cạnh tôi, nói nhỏ: “Bà con tạ ơn thần linh, cảm ơn Ðảng, Nhà nước đấy!”. Thấy vậy, chúng tôi cùng làm theo, đúng là một nghi thức mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. San sẻ tình cảm với bà con trong ngày đón điện lưới quốc gia, mọi người cùng ngây ngây men say, trong niềm vui khó tả. Ngày 18-12-2012 mới chỉ là ngày đóng điện thử mà vui như tết. Tiếng trống, tiếng chiêng ngân mãi, dội vào vách núi, kéo tận đến đêm khuya.

Lễ đóng điện ở xã biên giới Tân Xuân được tổ chức trang trọng và ấm áp trong niềm vui sướng của người dân. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty Ðiện lực Miền Bắc Nguyễn Phúc Vinh cho biết: Dự án cung cấp điện lưới quốc gia này là sự quan tâm lớn của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Sơn La. Dự án có tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 85%, vốn đối ứng của ngành điện 15%. Ðây là dự án có quy mô lớn, xây dựng toàn bộ lưới điện trung thế, hạ thế vùng nông thôn ở cả 11 huyện, thành phố, 106 xã của Sơn La. Khi hoàn thành vào năm 2015 sẽ cấp điện lưới quốc gia cho 557 bản, khoảng 30.157 hộ dân được hưởng lợi từ dự án. Giai đoạn I thực hiện từ nay đến hết năm 2013, gồm 35 gói thầu xây lắp và thiết bị, với 322 bản, 68 xã, 17.133 hộ dân sẽ có điện thắp sáng từ lưới điện này. Ðồng chí Lê Quang Thái, Giám đốc Công ty Ðiện lực Sơn La – đơn vị đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, cho biết thêm: Công ty đã lựa chọn vùng biên giới khó khăn này làm điểm khởi đầu thực hiện dự án. Khi tuyên truyền vận động, bà con rất phấn khởi, nhà nào cũng sẵn sàng nhường đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong không khí vui xuân, rộn ràng đón mừng năm mới 2013, chúng tôi may mắn có mặt tại đây ghi lại niềm vui lớn, chia sẻ những khó khăn vất vả với bà con ở vùng biên giới này. Bởi chính nơi xa xôi hẻo lánh còn nhiều khó khăn, lòng người dân vẫn luôn hướng về Ðảng với một niềm tin mãnh liệt.

Có người nói rằng: Tân Xuân nghĩa là xuân mới. Mùa xuân này điện sáng đã về tới vùng biên giới xã Tân Xuân. Ðiện sáng về như ánh sáng của Ðảng tỏa đến từng ngôi nhà của đồng bào nghèo, mang hơi ấm về suốt một dải biên cương của Tổ quốc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét