Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Công trình thủy điện Sơn La: Biến cái không thể thành có thể


Đây là loại cẩu lớn nhất của VN và do chính những người thợ cơ khí VN nghiên cứu, thiết kế và chế tạo với hàm lượng nội địa hóa 90%. Điều đặc biệt của chiếc cẩu 1.200 tấn là sự phối hợp giữa cơ điện tử tiên tiến với ứng dụng công nghệ điều khiển qua vệ tinh mà hiện nay trên thế giới, chưa có nước nào áp dụng công nghệ này vào lắp đặt cẩu.

Dám làm hàng "độc"

Trước hết, để một DN cơ khí nhỏ được tham gia vào đại công trình tầm cỡ quốc gia như thủy điện Sơn La đã là điều không tưởng. Theo ông Nguyễn Tăng Cường – GĐ XN Cơ khí Quang Trung – thì ban đầu, khi quyết định đưa xí nghiệp tham gia lắp đặt cẩu tại thủy điện Sơn La hầu như không ai ủng hộ – kể cả những người thân quen – vì không ai nghĩ là DN trong nước có thể làm được điều này, nhất là một xí nghiệp nhỏ như cơ khí Quang Trung. Thời điểm đó đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về điều này.

Một số ủng hộ nhưng còn e dè, số đông khác thì chỉ thích nhập ngoại cần cẩu để tham gia công trường. Lý do lớn nhất được đưa ra – và cũng là khó khăn nhất – là nếu xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất thì 28 triệu dân ở dưới hạ lưu sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. Một cái khó không thể chứng minh được là tiềm năng và sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo VN.

Nhưng biết khả năng của đơn vị, cùng với quyết tâm thực hiện bằng được dự án để chứng minh khả năng tiến bộ của ngành cơ khí nước nhà, ông Nguyễn Tăng Cường đã trực tiếp đặt vấn đề với phái viên của Thủ tướng Chính phủ đặc trách công trình thủy điện Sơn La Thái Phụng Nê rằng: "Cháu xin lấy danh dự của cả tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động cũng như toàn bộ thành quả có được sau hơn 20 năm lao động ra để đặt cược với trách nhiệm nặng nề này".

Không chỉ là lời hứa và lời cam kết, với tất cả vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm làm cẩu của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã thuyết phục được ông Thái Phụng Nê ủng hộ và xin phép Thủ tướng cho XN cơ khí Quang Trung được chọn là nhà cung cấp cẩu phục vụ thủy điện Sơn La. Kể với chúng tôi về chuyện này, Giám đốc Nguyễn Tăng Cường cho biết: "Khi được giao trọng trách, mừng thì ít mà lo thì nhiều, nhưng lo lắng càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn, và cơ khí Quang Trung chúng tôi đã chứng minh là mình hoàn toàn làm được".

Được biết, trước khi làm thủy điện Sơn La,  Giám đốc Nguyễn Tăng Cường đã phải trải qua khoảng 10 năm cho sự nghiên cứu và 10 năm đã làm ra các loại cẩu từ 80 tấn, 100 tấn, 250 tấn và 500 tấn cho thủy điện Sê San3, đây là kỳ tích của cơ khí Quang Trung với ngành điện VN, vì thời gian thi công nhanh, đảm bảo an toàn và chính xác. Còn tại công trường thủy điện Sơn La giải pháp công nghệ kỹ thuật của ông Nguyễn Tăng Cường đã được giới chuyên môn đánh giá là "hết sức độc đáo và chưa ai dám làm".

Điều này đã được chứng minh bằng thực tế là trong điều kiện nguy hiểm, cao độ thấp, khe hẹp, mặt bằng và hiện trạng thi công thay đổi liên tục, nhưng "cẩu chân què" của cơ khí Quang Trung có sức nâng 1.200 tấn đã giải quyết tất cả mọi khó khăn, đưa các thiết bị thủy công siêu trường, siêu trọng vào đúng vị trí lắp đặt theo đúng yêu cầu thời gian, dù tiến độ thi công được rút ngắn.

Vẫn thiếu định hướng

Tâm sự về nghề, Giám đốc Nguyễn Tăng Cường cho rằng làm khoa học cũng như xây nhà, muốn vững vàng thì móng nhà phải chắc. Do vậy, cần phải xác định rõ 7 bước quan trọng của ngành cơ khí chế tạo là: Thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công, nhiệt luyện, lắp ráp và cuối cùng là thử nghiệm để xuất xưởng. Nhưng ở VN, ngành khoa học công nghệ chỉ mới làm có 2 khâu cuối là thử nghiệm và xuất xưởng, còn 5 khâu trước bị bỏ quên thì làm sao mà công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển. 2% GDP dành cho công nghệ là quá ít, đã vậy, khoản kinh phí nhỏ nhoi này lại không được đầu tư trực tiếp cho KHCN, mà lại đầu tư dàn trải, nhiều khi còn bị sử dụng sai mục đích nên hiệu quả rất thấp.

Cũng theo Giám đốc Cường, nếu như hiện nay, vốn đầu tư cho ngành cơ khí chưa bằng vốn đầu tư của một nhà máy ximăng thì đây là một câu chuyện dài cần suy ngẫm. Nếu bớt đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư vào ngành mũi nhọn thì công nghiệp cơ khí chế tạo máy của VN đã đủ khả năng phục vụ được sự phát triển của nền kinh tế, không còn phải ồ ạt nhập khẩu máy móc thiết bị như hiện nay.

"Hiện nay, chúng ta chưa có định hướng đúng để phát triển, DN chúng tôi cái gì cũng cần, cái gì cũng thiếu. Nhưng cần nhất là định hướng chiến lược, chứ hiện nay chúng tôi vẫn đang phải tự mày mò tìm đường đi" – ông Cường nhấn mạnh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét