Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Từ một việc, nhìn nhiều chuyện


(HNM) – Theo dự kiến, công trình Thủy điện Sơn La sẽ được khánh thành vào cuối năm nay, rút ngắn tiến độ 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Vấn đề ở đây là khi công trình này sớm đưa vào sử dụng không chỉ mang lại nguồn lợi to lớn về an ninh năng lượng quốc gia.

Cụ thể, việc 6 tổ máy cùng hoạt động đã đóng góp cho lưới điện quốc gia hơn 10 tỷ kWh điện mỗi năm, đặc biệt riêng việc tổ máy cuối cùng phát điện trước 2 năm đã làm lợi cho đất nước khoảng 20.000 tỷ đồng.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, với số tiền được tiết kiệm lớn như vậy, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc.

Mong sao ngày càng có nhiều công trình được hoàn thành trước tiến độ với hiệu quả, lợi ích kinh tế cao như vậy. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra một vấn đề, hằng năm những công trình, dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại cho nhà nước và xã hội là bao nhiêu tiền của? Chưa có con số cụ thể nào thống kê và công bố, song chắc chắn những thiệt hại ấy là không nhỏ. Xin điểm lại một vài con số từng được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải về các dự án hạ tầng giao thông, những dự án luôn cần một khoản kinh phí không nhỏ. Trước đây, dự án xây dựng Đại lộ Thăng Long chậm tiến độ hơn 2 năm, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư do biến động giá tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sau 4 lần điều chỉnh so với phê duyệt ban đầu, số tiền đã tăng từ 568 tỷ đồng lên hơn 2.000 tỷ đồng, chưa kể phải điều chỉnh giá để bù trượt giá cho các nhà thầu. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cũng không đạt tiến độ đặt ra, tính cụ thể mỗi năm mức độ trượt giá của dự án đã tăng 23% tổng mức đầu tư… Điều đó dẫn đến giá thành làm đường tại Việt Nam mỗi nơi một kiểu và không thể tính ra mức giá chuẩn là bao nhiêu. Ví dụ với Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, suất đầu tư là 7,6 triệu USD/km; Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng suất đầu tư là 12 triệu USD/km; với Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, con số đó vọt lên 15 triệu USD/km; Nhưng giữ kỷ lục là Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với suất đầu tư tới 28,6 triệu USD/km…

Như vậy, chắc chắn số tiền thất thoát, lãng phí là không hề nhỏ, ấy là chưa kể tới những tác động tới xã hội, đời sống dân sinh.

Theo con số thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm có tới 15% số dự án chậm tiến độ, con số đó tương đương với trên 4.000 dự án mà mức độ triển khai hoặc tiến độ hoàn thành không như dự kiến. Tình trạng này đã gây nên những thiệt hại lớn cho xã hội. Chưa có con số thống kê cụ thể cũng như chưa có sự quy kết trách nhiệm cụ thể của các tập thể, cá nhân dù rằng nguyên nhân đều đã được chỉ rõ, ví dụ như thiếu vốn, phân bổ vốn chưa hợp lý; chậm giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công; năng lực chuyên môn, năng lực đầu tư của một số nhà thầu yếu… Đặc biệt, lợi dụng những lỗ hổng trong cơ chế chính sách và trong giám sát thực hiện đấu thầu, thực hiện dự án nhiều chiêu thức đã được áp dụng mà điển hình là việc bỏ thầu thấp để thắng thầu rồi dùng nhiều hình thức nhằm điều chỉnh giá thầu (và chỉ điều chỉnh lên chứ không bao giờ có xuống)…

Khi một dự án hoàn thành trước tiến độ, lợi ích thế nào, thành tích của tập thể, cá nhân… tất cả đều thấy rõ. Nhưng lạ là những tồn tại về các dự án, công trình chậm tiến độ nêu trên, thiệt hại của xã hội là không nhỏ nhưng lại không rõ trách nhiệm thuộc đơn vị, cá nhân nào, thậm chí dù kết quả ra sao, tất cả đều “bình chân như vại”. Có phải vì lý do đó mà rất hiếm những điểm sáng hoàn thành trước tiến độ như công trình Thủy điện Sơn La?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét