Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Siêu bão Sơn Tinh cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Trị 190km - Tuổi Trẻ


Siêu bão Sơn Tinh cách bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Trị 190km

* Mưa to, sóng lớn từ bờ biển Quảng Ngãi đến đảo Bạch Long Vĩ
* Quân dân miền Trung khẩn trương chống bão

TTO – Hồi 19g ngày 27-10, vị trí tâm bão Sơn tinh (bão số 8) cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (134-166km/g), giật cấp 15, cấp 16.

Từ chiều 27-10, khu vực các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) đã chịu  những tác động đầu tiên từ cơn bão Sơn Tinh (bão số 8): mưa và biển động. 

Tại các cảng, âu tàu, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá tại vùng biển trong, ngoài tỉnh được kêu gọi vào neo đậu.

Thái Bình: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Thông tin nhanh từ Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết tính đến 16g ngày 27-10, trong tổng số 1287 phương tiện đánh bắt cá của tỉnh với 3022 lao động, tất cả số phương tiện và lao động kể trên đã được thông tin về bão số 8 và  hướng vào nơi trú ngụ.

Tại bến cá Tân Sơn Huyện Thái Thụy ( Tỉnh Thái Bình) nhiều tàu bè đã lui về tránh bão số 8 – Ảnh Nguyễn Khánh

Ngư dân đang tích cực thu dọn lưới để phòng chống thiệt hại sau bão – Ảnh Nguyễn Khánh

Theo lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 23 phương tiện/134 lao động đánh bắt cá tại các vùng biển ngoài tỉnh, tuy nhiên số phương tiện và lao động làm việc trên tàu đã được thông tin vào nơi trú ngụ. Trong đó có 17 phương tiện với 79 lao động đã đưa vào neo đậu, trú ngụ tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), 6 phương tiện với 27 lao động đã được thông tin vào neo đậu, trú ngụ tại  đảo CôTô (Quảng Ninh) để tránh trú bão.

Theo ghi nhận tại huyện Thái Thụy (Thái Bình), đến 16g chiều nay (27-10) lực lượng biện phòng tại các Đồn cửa khẩu Diêm Điền và đồn biên phòng số 68 đã thực hiện các biện pháp "phong tỏa" không cho tàu thuyền ra khơi. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của huyện Thái Thụy, trong số 448 phương tiện/1460 lao dộng hiện còn 113 phương tiện/355 lao động đang hoạt động trên biển nhưng toàn bộ số tàu thuyền và lao động này đều đã nhận được thông tin và đang được kêu gọi vào nơi trú ngụ trong vùng biển của tỉnh ngay trong ngày 27-10.

Đường đi và vị trí cơn bão theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương lúc 14g30

Đà Nẵng: vẫn còn tàu cá ở vùng biển nguy hiểm

Sáng 27-10, do ảnh hưởng của bão số 8 khiến thời tiết tại Đà Nẵng có gió giật mạnh và mưa to. Dọc các tuyến ven biển như Mỹ Khê, Mân Thái, Nguyễn Tất Thành… sóng đánh rất mạnh và tiến sâu vào bờ khiến bà con ngư dân phải rất vất vả kéo tàu cá và các ngư cụ lên bờ.

Sáng cùng ngày, Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung-Tây Nguyên đóng tại Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận thì các địa phương này đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 1.857 tàu/16.165 ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Tuy nhiên hiện nay tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 2 tàu và 28 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. 5 tàu khác đã về đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi ) an toàn. Tại các vùng biển khác, có 724 tàu/4.997 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.

Bộ tư lệnh Quân khu 5 cũng đã có cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác phòng chống bão số 8 nhằm chuẩn bị sẵn sàng xử lý khi bão vào đất liền. 

Ngư dân Đà Nẵng đang gấp rút đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão - Ảnh: Đoàn Cường

Thanh Hóa: sẵn sàng sơ tán hàng chục nghìn dân

Công tác phòng, chống bão số 8 đã và đang được các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa gấp rút triển khai xuống tận cơ sở. Các địa phương ven biển gồm huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn đã sẵn sàng phương án di dời, sơ tán hàng chục nghìn dân vùng mép nước biển, cửa sông có nguy cơ sạt lở, vào sâu trong đất liền khi có lệnh sơ tán dân của UBND tỉnh.

Hàng ngàn hành khách hoãn chuyến bay

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết do ảnh hưởng bão Sơn Tinh đã phải hủy thêm 62 chuyến bay đến/ đi từ 4 sân bay miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh trong các ngày 27 – 28-10. Đại diện VNA cho biết chỉ trong ngày 27-10 hãng đã tiếp tục hủy thêm 37 chuyến bay đến/đi từ Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Vinh, có thời gian khởi hành từ 6g45 đến 22g10. Ngày 28-10 tiếp tục hủy một chuyến bay Đà Nẵng – Đà Lạt VN1955, có thời gian khởi hành dự kiến vào lúc 6g10.

Tính đến nay, đã có 62 chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão số 8, làm trên 6.800 khách bị hoãn chuyến. VNA dự kiến trong ngày 28-10, hãng sẽ bố trí 22 chuyến bay bù, trong đó 16 chuyến bay đến/đi từ Đà Nẵng, 4 chuyến đến/đi từ Huế, 2 chuyến đến/đi từ Vinh để giải tỏa số khách bị dồn ứ.

VNA khuyến nghị hành khách chủ động theo dõi thông tin trên website www.vietnamairlines.com, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc liên hệ các phòng vé của Vietnam Airlines để biết thêm chi tiết. Số điện thoại liên hệ: Hà Nội: 04. 38 320 320; Tp HCM: 08.38 320 320; Đà Nẵng: 0511. 3832 320. Trong ngày 27-10, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng thông báo hủy 4 chuyến bay nội địa vì bão.

Các hãng hàng không nội địa Jetstar Pacific, VietJet Air cho biết hiện đang cập nhật tình hình diễn biến cơn bão để chủ động liên lạc với khách hàng và sắp xếp lịch bay bù sớm nhất.

L.N.

 

Đầu giờ chiều 27-10, ông Phạm Bá Oai – chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa – cho biết địa phương đã chuẩn bị phương án, phương tiện, vật tư và lương thực để sẵn sàng đưa khoảng 2.600 người dân ở 13 xã có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nơi an toàn. Hiện nay 1.325 tàu, thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi của huyện đã vào bờ. Tuy nhiên, do huyện chưa có âu tránh trú bão đạt tiêu chuẩn, nên số tàu thuyền trên chỉ đậu tạm ở các cửa sông, lạch nơi kín gió.

Còn tại huyện ven biển Hậu Lộc, công tác phòng, chống bão số 8 ở các xã thường xuyên “hứng” bão như: Đa Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân triển khai rốt ráo. Nhiều nhà ven biển đang chằng chống.

Ông Nguyễn Văn Hoằng – chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc – cho biết: “Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời khoảng 11.000 người dân ở các xã ven biển nêu trên vào sâu trong đất liền, khi có lệnh di dời dân của UBND tỉnh. Hiện nay hơn 1.000 tàu, thuyền của Hậu Lộc đã vào bờ tránh trú bão.

Đến đầu giờ chiều 27-10, Thanh Hóa bắt đầu có mưa, gió thổi mạnh.

Nghệ An: trời bắt đầu âm u

Từ 13g ngày 27-10 khu vực tỉnh Nghệ An đã bắt đầu âm u, gió nhẹ và mưa rải rác. 

Lãnh đạo các sở, ban ngành vẫn có mặt tại các địa bàn dọc bờ biển để kiểm tra phương án đối phó với cơn bão có thể xảy ra bất thường.

Đến chiều 27-10, ngoài 1.217 tàu thuyền (3.588 lao động) như của ngư dân Nghệ An, các đồn biên phòng dọc bờ biển của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã kêu gọi thêm một số tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi vào Cửa Hội trú bão. Theo đó, nghiêm cấm tất cả các tàu này ra khơi trở lại khi bão chưa tan.

Ngư dân Quảng Ngãi neo tàu trú bão tại Cửa Hội – Ảnh: X.Nhường

Ông Hồ Ngọc Sĩ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cùng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã trực tiếp đến địa bàn ba huyện ven biển Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và thị xã Cửa Lò để rà soát việc thực hiện các phương án di dời hơn 2000 hộ dân tại các cửa sông, cửa biển.

Ông Sĩ cho biết, theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, nếu bão không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An nhưng mưa to, gây ngập úng, các trường học trong vùng lũ được phép cho học sinh nghỉ học.  

Bình Định: tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn

Sáng 27-10, tỉnh Bình Định có nơi mưa vừa, trời u ám, biển động do có gió cấp 5 - 6, giật cấp 7. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã kêu gọi 251 tàu cá đánh bắt xa bờ, với 2.187 ngư dân đã di chuyển vào bờ và ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh trú bão. Đến trưa 27-10, hầu hết thuyền nghề của ngư dân Bình Định đã nhận được tin bão số 8 và đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Thừa Thiên Huế: bờ biển sạt lở mạnh

Trưa 27-10, tại bờ bắc cửa biển Thuận An thuộc địa phận thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (Hương Trà, Thừa Thiên Huế), những cột sóng dâng cao 3-4, dồn dập đánh vào bờ khiến bờ biển tiếp tục sạt lở.

Ngư dân thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên  Huế) neo đậu tàu thuyền tránh gió trên phá Tam Giang -Ảnh: Nguyên Linh

Rừng phòng hộ chắn gió bão của xã Hải Dương đã bị nước biển nuốt dần, có điểm sóng biển chỉ còn cách bờ phá Tam Giang khoảng 30-40m.

Ông Nguyễn Liêm, chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết: "Đã lên phương án di dời khoảng 100 hộ dân ở thôn Thai Dương Hạ Nam và những hộ sống gần biển. Hiện sóng biển vẫn tiếp tục làm sạt lở bờ biển, cánh rừng phòng hộ 20 tuổi tiếp tục bị cuốn trôi, có nguy cơ bị xóa sổ, nguy cơ hình thành cửa biển mới khi có sóng bão lớn".

Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù bão không đổ bộ vào Thừa Thiên Huế tuy nhiên vẫn chịu ảnh hưởng bởi những đợt sóng lớn, làm bờ biển sạt lở. Hiện toàn tỉnh có 9 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 30km, trong đó có khoảng 10km bị sạt lở nặng ở các xã Hải Dương, Phú Thuận, Quảng Công, Quảng Ngạn, Phú Hải, Vinh Hiền…uy hiếp hàng chục hộ dân".

Theo ông Hùng để khắc phục sạt lở bờ biển ở tỉnh này cần có những dự án kè chắn sóng, tuy nhiên kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn nên tỉnh này vẫn chưa thể triển khai.

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 27 -10 để bảo đảm an toàn. Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh túc trực 24/24 giờ ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền để cấm ngư dân ra khơi.

Hà Tĩnh: khẩn trương di dời dân

Sáng nay 27-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 8 tại tỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng đánh giá, đây là cơn bão mạnh, tốc độ lớn, ảnh hưởng ven biển và gây ảnh hưởng rất nặng nề. Tỉnh Hà Tĩnh phải triệt để phòng chống, ứng phó, nhất là sắp xếp tàu thuyền, bảo vệ đê biển, chủ động sơ tán người dân để đối phó kịp thời với diễn biến bão.

Sáng cùng ngày, chính quyền xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng lực lượng công an, biên phòng đóng trên địa bàn đã tiến hành di dời khẩn hơn 20 hộ dân có nhà có nguy cơ ngập trong nước biến ở Cửa Nhượng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch xã Cẩm Nhượng, ngoài những hộ dân sống ở Cửa Nhượng phải di dời, còn có 120 hộ dân nằm trong lệnh phải di dời ngay trong chiều nay. Ngay trong sáng nay xã Cẩm Nhượng đã hướng dẫn, chỉ đạo cho 163 tàu thuyền vào trú bão an toàn.

Đi dọc đê kè ven biển xã Cẩm Nhượng, chúng tôi ghi nhận người dân sống dọc đê kè đang khẩn trương chằng chéo nhà cửa, di dời tài sản đến những nơi an toàn. Tại biển Cẩm Nhượng đã có gió bão giật cấp 4, cấp 5. Những cơn sóng đánh vào đê kè cao 2-3m.

Nhiều ngôi nhà bên đê kè biển Cẩm Nhượng đang được người dân chằng chéo lại – Ảnh: Văn Định

Do ảnh hưởng của bảo, sóng biển đã đánh vào đê kè biển Cẩm Nhượng cao 2-3 mét – Ảnh: Văn Định

Những hộ dân sống ở Cửa Nhượng đang khẩn trương di dời ngay trong sáng nay (27-10) – Ảnh: Văn Định

Người dân Hà Tĩnh đang neo đậu lại tàu thuyền – Ảnh: Văn Định

Ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban Phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết hiện nay Hà Tĩnh đã chỉ đạo sát sao các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân phải có phương án triển khai kế hoạch sơ tán dân cư ven biển. Chủ động huy động lực lượng và hướng dẫn nhân dân triển khai việc chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, trạm xá.

Theo ông Bắc, ngoài ra Hà Tĩnh cũng chỉ đạo, các sở ban ngành triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập nhỏ và các tuyến công trình đang dở dang. Đặc biệt bảo đảm an toàn cho các hồ đập xung yếu, công trình thủy điện Hố Hô, Hương Sơn, các Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo…

Quảng Bình: Không chủ quan với bão số 8

Dù dự báo bão số 8 đang chuyển dần ra phía Bắc, nhưng ở Quảng Bình, bà con ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. 

Đến 17g ngày 27-10, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình đã vào bờ, 9 tàu cuối cùng với 96 ngư dân cũng đã vào trú bão an toàn ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ.

Tại vùng sạt lở nặng nề ven biển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, người dân vẫn tích cực giằng chống nhà cửa, tiếp tục di dời thuyền lên xa bờ hơn để tránh sóng biển ập vào. Dù lượng mưa trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức 15-20mm và sức gió chưa có, trời lúc nắng lúc mưa nhưng chính quyền các xã ven biển như Cảnh Dương, Phúc Trạch (huyện Quảng Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thuỷ Nam, Ngư Thuỷ Trung (huyện Lệ Thuỷ)… kiểm tra nghiêm ngặt, không cho ngư dân đưa thuyền ra biển.

Các phương án sơ tán dân, bảo vệ tàu thuyền, chuẩn bị lương thực dự trữ… được các huyện, xã hoàn tất.

Tại vùng xung yếu ven biển, người dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cũng không chủ quan với bão, vẫn tích cực phòng chống bão cho nhà cửa, di dời thuyền lên xa bờ tránh sóng biển ập vào khi bão đến. Ở các xã ven biển khác như Cảnh Dương, Phúc Trạch (huyện Quảng Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung… (huyện Lệ Thủy), chính quyền địa phương nghiêm cấm bà con ngư dân cho thuyền nhỏ ra đánh bắt hải sản trên biển, đồng thời có phương án di dời thuyền lên xa bờ và di dời người dân khỏi các cửa sông.

UBND tỉnh đã cử các đoàn kiểm tra, đôn đốc từng địa phương chống bão, có phương án sẵn sàng sơ tán dân, bảo vệ tàu thuyền cũng như chuẩn bị lương thực nếu bão đổ bộ vào tỉnh.

 

* Lúc 19g ngày 27-10, do ảnh hưởng bão số 8 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 19m/s (cấp 8), ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 24m/s (cấp 9), ở Hòn Ngư (Nghệ An) gió mạnh 10 m/s (cấp 5), giật 17m/s (cấp 7); ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 19m/s (cấp 8), TP.Huế gió giật 12m/s (cấp 6). Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Tà Rụt (Quảng Trị) 138mm; Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 196mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 135mm; Quảng Ngãi 138mm …

* Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 19g ngày 28-10, vị trí tâm bão trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km/g), giật cấp 12, cấp 13.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

* Bão số 8 có khả năng di chuyển dọc ven biển nên các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ sáng mai (28-10) có gió giật cấp 6, cấp 7.

Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ

XUÂN LONG – HƯƠNG GIANG –  HÀ ĐỒNG – VŨ TOÀN – NGUYÊN LINH ĐOÀN CƯỜNG – VĂN ĐỊNH – LAM GIANG – Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ

Source Article from http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/517869/Sieu-bao-Son-Tinh-cach-bo-bien-Ha-Tinh—Quang-Tri-190km.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét