Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Thủy điện Sơn La: Kỳ tích bê tông đầm lăn


QĐND – Thời gian thi công thủy điện Sơn La đã được rút ngắn chỉ còn một nửa nếu so với 15 năm xây dựng thủy điện Hòa Bình. Có nhiều yếu tố góp phần làm nên điều thần kỳ ấy, trong đó phải kể đến dấu ấn của việc đắp đập bê tông đầm lăn, hạng mục quan trọng hàng đầu của công trình thủy điện Sơn La.

Thi công đập bê tông đầm lăn của thủy điện Sơn La.

Đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ xây dựng đập bê tông đầm lăn là Công ty Cổ phần Sông Đà 5 (thuộc Tổng công ty Sông Đà), có sự phối hợp của Công ty Cổ phần cơ giới Sông Đà 9.08. Với chiều dài gần một ki-lô-mét từ bờ trái vắt ngang qua bờ phải nhằm chặn đứng dòng chảy của sông Đà, bề rộng đáy thân đập là 120m và phải đắp lên cao trình 138m, vì vậy, cần đến gần 3 triệu m3 bê tông đầm lăn để đắp đập. Công ty Sông Đà 5 được Chính phủ bảo lãnh cho đặt mua toàn bộ hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông đầm lăn công suất 720m3/giờ từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là công nghệ sản xuất bê tông hiện đại đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới nhưng lần đầu được áp dụng một cách đồng bộ với số lượng lớn tại Việt Nam.

Để sản xuất ra những mẻ bê tông đặc hiệu trên, Công ty Sông Đà 5 đã phải xây dựng riêng một nhà máy sản xuất đá lạnh công suất lớn, phải đặt mua số lượng nguyên liệu tro bay từ Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí làm phụ liệu. Cùng với đó là lắp đặt cả một hệ thống dây chuyền khai thác cát, đá sau đó đưa qua các trạm nghiền, sàng, tinh lọc thành những nguyên phụ liệu đủ tiêu chuẩn mới đưa vào nhà máy sản xuất. Tất cả mọi công đoạn trên đều phải tiến hành đồng bộ và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với sự giám sát chặt chẽ. Sản phẩm bê tông của nhà máy sau khi kiểm định chất lượng sẽ được vận chuyển lên băng tải dài hơn 2km đưa đến mặt đập bàn giao cho lực lượng cơ giới thuộc Công ty Sông Đà 9.08.

Theo quy trình kỹ thuật, Sông Đà 9.08 phải thi công 3 ca liên tục 24/24 giờ ròng rã trong hai năm liền. Mỗi lớp bê tông đầm lăn rải dày 35cm để rồi lu, lèn, đầm nén xuống còn 30cm. Bề mặt đập được nhà thầu phân chia thành nhiều khối. Khối này rải bê tông thì khối kia đầm. Điều kiện tiên quyết là sau 7-8 tiếng phải kết thúc rải và đầm một lớp rồi mới tiếp tục rải lớp kế tiếp. Nếu không sau 16 tiếng, bê tông sẽ liên kết, sinh nhiệt tạo thành khe ẩm giữa chân đập.

Khó khăn lớn nhất đối với đơn vị thi công đập là cường độ làm việc lớn. Khối lượng bê tông thi công mỗi ngày đạt 5.600 đến 6000m3, khi cao điểm có thể lên tới 8000m3/ngày. Việc làm chủ kỹ thuật bê tông đầm lăn tại thủy điện Sơn La đã giảm bớt nhân công, tiết kiệm sức lực cho người lao động. Qua đó cũng đã góp phần hoàn thành các đợt chống lũ thắng lợi cho toàn bộ công trình, góp công lớn cho việc xây dựng thành công thủy điện Sơn La sớm hơn dự định 3 năm.

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤT LỘC



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét