Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Cả nước gieo cấy gần 1,52 triệu ha lúa mùa


Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở bắc và trung Trung Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Gió đông bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3 – 4. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Ðài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong những ngày tới, hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh sẽ có mưa, có nơi mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng có gió giật mạnh và lốc xoáy. Hiện mực nước triều cũng đang lên, một số nơi trên địa bàn thành phố có khả năng sẽ bị ngập. Ban Chỉ huy PCLB TP Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị các cơ quan hữu quan triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản và chủ động ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn bộ tuyến tỉnh lộ 112 từ trung tâm huyện Bắc Yên (Sơn La) lên các xã vùng rẻo cao: Tà Sùa, Làng Chếu, Sím Vàng, Hang Chú đã bị tắc nghẽn giao thông trong nhiều ngày nay. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện đã huy động dân đào đất, khắc phục tạm thời để người đi bộ, xe gắn máy và ngựa thồ có thể đi qua các điểm sạt trượt, nhưng mỗi lần mưa đường lại bị lấp như cũ, rất nguy hiểm đến tính mạng nhân dân.

Chiều 27-9, Ban Chỉ huy PCLB huyện Tuy Ðức (Ðác Nông) cho biết, tối 26 rạng sáng 27-9, ở phía hạ lưu đập thủy lợi Ðác Búc So dọc theo quốc lộ 14C, thuộc địa phận thôn 2, xã Ðác Búc So, huyện Tuy Ðức đã xảy ra sạt lở đất với khối lượng hơn 12 nghìn m3, vùi lấp ba nhà dân và gây hư hỏng nặng nề 12 nhà dân khác. Rất may, vụ sạt lở đất không gây thiệt hại về người. Ngoài ra, vụ sạt lở đất còn vùi lấp hàng chục ao cá với diện tích hơn 3 ha của 21 hộ dân ở thôn 2, xã Ðác Búc So, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. UBND huyện đã trích ngân sách dự phòng hỗ trợ sáu triệu đồng/hộ cho những gia đình bị mất nhà cửa; ba triệu đồng/hộ đối với những gia đình có nhà bị hỏng. Ðồng thời chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương di dời, bố trí 15 hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở đất này đến khu tái định cư mới để ổn định cuộc sống lâu dài.

Tại khu vực bờ biển từ phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) đến giáp ranh địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có năm đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. Ðáng lưu ý nhất tại bờ biển phường Nhà Mát, có đoạn mỗi năm xói lở từ 10 – 20 m; khu vực xã Vĩnh Trạch Ðông (TP Bạc Liêu) nhiều đoạn xói lở từ 5 đến 17 m mỗi năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa kêu gọi tài trợ thông qua giải pháp xây dựng hàng rào chắn sóng bằng tre kết hợp với lá dừa nước, vừa làm giảm độ xói lở, vừa gây bồi tụ đất  hiệu quả bờ biển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước đã gieo cấy đạt gần 1,52 triệu ha lúa mùa, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh phía bắc đã kết thúc gieo cấy, đạt diện tích hơn 1,13 triệu ha, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đã trỗ thoát và ngậm sữa, một số nơi trà lúa sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, trà trung cho thu hoạch vào cuối tháng 9 sẽ tạo điều kiện giải phóng đất sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông 2012 – 2013. Tại các tỉnh phía nam, tiến độ xuống giống lúa mùa chậm, đạt khoảng hơn 450.000 ha, bằng khoảng 86% cùng kỳ năm trước.

UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 26-9 đã công bố dịch lợn tai xanh tại bốn xã: Ðại Phong, Ðại Quang (huyện Ðại Lộc), Bình Trung và Bình Tú (huyện Thăng Bình) sau khi phát hiện hơn 650 con lợn ở các xã này bị nhiễm bệnh và hơn 120 con lợn phải tiêu hủy. UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND hai huyện này chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt để dập dịch; tổ chức chốt chặn, cấm tất cả các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn trên địa bàn bốn xã nói trên.

Hỗ trợ 3,74 triệu USD cho các tỉnh miền núi phía bắc đối phó với biến đổi khí hậu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt dự án”Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía bắc”, thực hiện tại 15 tỉnh, với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP). Tổng vốn đầu tư cho dự án là 3,74 triệu USD, trong đó vốn ODA không hoàn lại là 3,4 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2012 – 2015.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét