Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Trung thu đến sớm với trẻ vùng cao


Chương trình do CLB Vì sự phát triển bền vững (SDC – Hà Nội) tổ chức dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững (CSDS) kết hợp với CLB Tình nguyện Vì hòa bình (VPV Club).

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ vùng cao" dành cho trẻ em và người dân dân tộc thiểu số tại bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Dự án nằm trong hợp phần hỗ trợ việc xây dựng Trường Tiểu học Vân Hồ tại địa bàn bản Pa Chè và được tài trợ bởi tổ chức GIZ.

Theo anh Ký – Trưởng bản Pa Chè – người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Mông. Những năm trở lại đây, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức…, người dân nơi đây đã dần dần xóa bỏ tập tục du canh du cư, hướng đến cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Với trẻ em nơi đây, Trung thu cũng là một khái niệm xa vời. Còn về bánh nướng, bánh dẻo, đồ chơi trung thu như đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân rực rỡ…, khi ăn còn không đủ no, áo không đủ mặc thì đâu dám nghĩ đến những thứ xa xỉ đó…

Để chuẩn bị cho lễ rước đèn và phá cỗ vào buổi tối, BTC chương trình, các tình nguyện viên đã tập hợp và hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao – đồ chơi trung thu cổ truyền. Đây cũng là hoạt động mở mang trí óc, giúp các em vừa học vừa chơi.

Bạn Lưu Đình Hùng cho biết: "Các tình nguyện viên (TNV) đến từ Hà Nội đã vấp phải những khó khăn ban đầu do sự khác biệt về ngôn ngữ do các em nhỏ tại đây hầu hết chỉ nói được tiếng bản địa. Tuy nhiên, rào cản này đã nhanh biến mất. Mọi hướng dẫn thao tác nào dù đơn giản hay phức tạp của chúng tôi, các em cũng đều tiếp thu nhanh".

Khi đã có những chiếc đèn ông sao, đoàn TNV lại tiếp tục chia làm 2 nhóm, một nhóm đi chợ, nấu cơm cho cả đoàn, nhóm còn lại vui chơi với các em nhỏ. Không khí dần trở nên náo nhiệt, sôi động với những tiếng hò reo trong trẻo khi một loạt các trò chơi dân gian như: Rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, cướp cờ,… bắt đầu.

7h30 tối, vầng trăng trên bầu trời báo hiệu còn 1 tuần nữa mới đến Trung thu, nhưng điều đó không quan trọng. Đêm phá cỗ mở màn với vở kịch rối sự tích của ngày Tết Trung thu do các TNV viết kịch bản và tự tay chuẩn bị các con rối. Câu chuyện rất quen thuộc trở nên đặc biệt với các em nhỏ nơi đây khi các em chưa bao giờ biết tới Trung thu là gì và những con rối đặc biệt có sức thu hút khi tiếng Kinh đối với trẻ em ở đây gần như trở thành vô nghĩa.


Hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao.

Sau khi vở kịch kết thúc, tiết mục được mong chờ nhất – phá cỗ trung thu – cũng đã đến. Một chiếc bàn với cơ man nào bánh kẹo, bánh trung thu… Bạn Huyền – TNV DSC – cho biết: "Nhiều bé sau khi được phát bánh còn không dám ăn mà cất vào túi. Khi được hỏi thì các em trả lời rằng: "Bánh đẹp quá nên em không dám, cất để về nhà ăn dần…".

Sau khi phá cỗ trông trăng, các em xếp hàng rước đèn ông sao. Niềm vui như lớn hơn khi các em cầm trong tay thành quả do chính mình làm ra. Sự háo hức hiện lên trên từng đôi mắt to tròn… Những chiếc đèn ông sao được rước quanh sân trường và sau đó là đống lửa trại ngoài sân bóng, vừa đi các em vừa hát các bài hát về Tết Trung thu do các TNV vừa dạy. Dù mới dạy có một lúc buổi chiều, các em đã nhanh chóng thuộc các bài hát trung thu. Giọng Kinh lơ lớ cùng với chất giọng ngọng líu lo của trẻ con vang lên rộn ràng, ngộ nghĩnh, đáng yêu vô cùng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét