Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Phải bảo đảm tính bền vững


 

Dân sợ nhà tái định cư

Đại biểu Bùi Thị An cho hay, thực tế giám sát của đoàn đại biểu Quốc Hội tại hai nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu cho thấy, các giai đoạn triển khai dự án đều đảm bảo tiến độ, có nơi còn vượt tiến độ. Vấn đề an toàn tái định cư đều đảm bảo.

Tuy nhiên vấn đề là làm sao tạo sinh kế cho người dân tái định cư bền vững. "Tôi hỏi nhiều người, họ cho biết là đang trồng chuối, nhưng chẳng bán được. Do đó, tôi nghĩ tạo công ăn việc làm cho người dân là phải mang tính lâu dài, ổn định", bà An nói.

Theo một số đại biểu, việc tái định cư ở nhiều nhà máy thủy điện cũng còn nhiều vấn đề. Công tác tái định cư ở thủy điện Sông Tranh ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My chưa làm đến nơi, đến chốn. Nhà tái định cư thiết kế không phù hợp không gian văn hóa của đồng bào.

Quá trình giám sát chính sách đất ở cho đồng bào cho thấy, một hộ gia đình được phân 1000 m đất, trong đó có 400m đất làm nhà ở còn dựng được nhà, 600m còn lại dốc quá khiến người dân không canh tác được, dẫn đến đồng bào phải phá rừng để sinh nhai.

Vậy, câu chuyện hậu thủy điện phải tính toán ra sao đảm bảo cuộc sống người dân đã nhường đất cho thủy điện ?

Thủy điện Sơn La cho thấy chủ trương Đảng, Nhà nước ta rất đúng đắn. Di dân tái định cư những năm đầu được thực hiện với quyết tâm rất cao của Đảng bộ và chính quyền Sơn La. "Người dân thậm chí chưa nhận gì cũng sẵn sàng đi nhường đất cho thủy điện. Giờ điện đã hòa lưới rồi, phải tập trung giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người dân, tránh trường hợp người dân kéo về Hà Nội khiếu kiện", đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư ở một số dự án nhà máy thủy điện Đác Nông cũng còn vấn đề. Có gần 20 căn nhà cả phía trước và phía sau là vực thẳm. Việc an cư khó khăn, nhiều người không dám về ở vì không dám đem tính mạng mình ra đánh cược với đất trời.

Hiện nay chủ đầu tư vẫn nợ 20 tỷ đồng trong việc đền bù. Đất cho bà con sản xuất chưa được chủ đầu tư cấp dù dân cứ chờ mãi. Vẫn biết xây dựng đập thủy điện để phát triển sản xuất, nhưng vấn đề ổn định cuộc sống đồng bào vùng tái định cư cần tính toán. Những vấn đề ổn định đời sống dân cư, Bộ Công thương và tập đoàn EVN có trách nhiệm như thế nào?

Ông Đỗ Đông Xuyên – Ban chỉ đạo các công trình của Bộ Công thương cho hay, ở nhiều điểm tái định cư, cuộc sống người dân ổn định rồi, nhưng còn gần 1000 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Còn theo đại diện Tập đoàn EVN, việc di dân tái định cư đối với các dự án do EVN làm chủ đầu tư, EVN đều thuê các công ty tư vấn rồi thống nhất với tỉnh trước khi thực hiện. Thực tế nhiều vùng địa hình hiểm trở nên rất khó cho công tác di dân tái định cư, có vùng phong tục đồng bào không muốn di đi xa, "khó lắm chứ chả sung sướng gi".

Ai ký nghiệm thu, người đó phải chịu trách nhiệm

Đại biểu Bùi Thị An yêu cầu Bộ Công thương quan tâm tiêu chuẩn trong thiết kế vì hiện chưa có tiêu chuẩn thực sự để đánh giá nghiệm thu. Trong vấn đề an toàn nhà máy, lúc thì ta dùng tiêu chuẩn Mỹ lúc thì Nhật, "đã đến lúc chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam".

Đại biểu An cũng đặt vấn đề về hậu chịu trách nhiệm đối với các công trình. Vì vậy, "khi ký xây dựng dự án, các cán bộ lãnh đạo cần tính toán, không để chuyện cán bộ hạ cánh an toàn rồi có sự cố xảy ra không biết xử lý ra sao"- Bà An nói.

"Trước khi xây dựng nhà máy, đã có bộ tiêu chuẩn rồi, rất đầy đủ, bảo đảm an toàn. Khi nghiệm thu có cả một hội đồng, ai đặt bút ký nghiệm thu thì phải chịu trách nhiệm, không có chuyện "hạ cánh an toàn" ở đây, ông Đỗ Đông Xuyên trả lời.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội đối với thủy điện Sông Tranh, đại diện của EVN khẳng định "thủy điện sông Tranh đã hoàn toàn an toàn".

"Trước kia mực nước chết của thủy điện này là 32 lít/s thì hiện nay chỉ còn 3,32lit/s. Hiện không có vết nứt nào, kể cả khe thấm ở 30 khe nhiệt nằm sâu trong nước. Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn độc lập, tất cả đều tốt, an toàn. Khả năng chịu động đất cấp 7, 8 tương đương 4,2 độ richter'- đại diện EVN nói.

Đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tuy mới chỉ ở những giai đoạn đầu tiên, song tính an toàn luôn được nhiều đại biểu và người dân quan tâm. Đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và công nghệ rất phức tạp, trong khi đó nguồn nhân lực của Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và kinh nghiệm, các tổ chức liên quan nằm ở nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Do đó, theo một số đại biểu, các Bộ ngành cần cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng công nghệ để bảo đảm an toàn cho nhà máy và người dân, tránh lặp lại bài học của Nhật Bản và một số quốc gia khác.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét