Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Công ty CP Cao su Sơn La: Gắn sản xuất với an sinh xã hội


Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Cao su Việt Nam phát triển cây cao su ở Tây Bắc, sau gần 7 năm thành lập và hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, Công ty CP Cao su Sơn La đã khai hoang và trồng mới được trên 6.500 ha cao su. Cây cao su Sơn La xanh ngút ngàn nằm trải rộng trên địa bàn 6 huyện của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 4.600 lao động địa phương, trong đó hầu hết là bà con dân tộc. Công ty đã góp phần chuyển đổi một bộ phận nông dân trong vùng quy hoạch trồng cao su của tỉnh sang làm công nhân, xóa đi cái nghèo, cái đói đeo đẳng các bản làng.

Khác với mô hình sản xuất ở các địa phương, phát triển cây cao su ở Công ty CP cao su Sơn La được thực hiện theo mô hình người nông dân góp đất và được nhận vào làm công nhân. Theo mô hình này, người nông dân vừa không bị mất đất, vừa có vốn góp vào Công ty, được chia cổ tức khi Công ty có lãi và kết hợp được phát triển chăn nuôi tại chỗ. Đặc biệt, mô hình hộ nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tham gia trồng cao su và trở thành cổ đông của Công ty đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Nhà trẻ, nhà mẫu giáo tại Nông trường Ít Ong
Theo ông Võ Nhật Duy, TGĐ Công ty CP cao su Sơn La, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là một cách làm mới, có nhiều ưu điểm hơn so với các phương thức hợp tác khác như đầu tư tiểu điền, chia sản phẩm. Đây là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện phương thức sản xuất này và bước đầu đã thành công. Phương thức sản xuất này hướng tới hỗ trợ nông dân phát triển đại điền để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.

Cùng với hoạt động sản xuất, Công ty CP Cao su Sơn La rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Công ty đã hỗ trợ cán bộ chủ chốt 50% giá trị và cho tạm ứng trừ lương 50% để mua máy tính sử dụng trong công việc. Công ty cũng hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi trâu bò theo hình thức nuôi nhốt không tính lãi với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Nhờ nguồn thức ăn bảo đảm, nên đàn bò ở đây phát triển tốt. Sau 3 năm đã tăng lên gần 1.200 con và nông dân đã hoàn ứng được hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty rất quan tâm đến đời sống người lao động như khám bệnh và phát thuốc định kỳ, xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, làm đường, cho 846 hộ ứng số tiền 460.000.000 để sửa nhà, chữa bệnh. Số tiền này được Công ty trừ dần qua lương hàng tháng. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Công ty đã thăm và tặng quà cho 121 gia đình thương binh liệt sỹ với số tiền gần 39 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí tổ chức các ngày lễ lớn ở địa phương và hỗ trợ cho đồng bào các dịp lễ, tết với số tiền  hơn 329 triệu đồng…. 

Nhờ thực hiện mô hình nông dân góp đất, người dân địa phương được vào làm công nhân, nông dân đã kết hợp mô hình trồng cao su xen các loại cây lương thực để tạo thêm lương thực cho đồng bào cũng như thức ăn chăn nuôi. Để định hướng cho nông dân, Công ty đã phối hợp với Viện Nghiên cứu miền núi phía Bắc và Công ty Bông miền Nam trồng thí điểm các loại cây ngắn ngày như lúa nương, đậu các loại, bông vải, cỏ chăn nuôi,… trong vườn cao su để tìm ra loại cây trồng phù hợp để tăng thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, chủ trương phát triển cây cao su của Chính phủ, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La là đúng đắn, góp phần xoá đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu của người dân địa phương nhằm đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét