Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Trước ngày phát điện tổ máy cuối cùng thủy điện Sơn La


Ðường vào Thủy điện Sơn La mùa này đi lại khó khăn, sau mỗi trận mưa, đường lại sạt lở, đá rơi, nhưng khi vượt qua cầu Mường La thì một không gian rộng mở, Nhà máy thủy điện Sơn La hiện ra trước mắt thật đồ sộ.

Cảm nhận của chúng tôi vào thời điểm những ngày tháng 9 này là các tuyến đường vào nhà máy đã được trải thảm một lớp áp-phan mới, hai bên đường công nhân đang dọn dẹp, xây hè rãnh, trồng cây xanh. Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La Hoàng Trọng Nam, Phó Ban quản lý dự án nhà máy, cho biết: “Tổ máy số 6 – tổ máy cuối cùng đang hoàn thiện những chi tiết cuối cùng, hiệu chỉnh thiết bị để ngập nước, chạy thử không tải và phát điện theo đúng dự kiến đề ra. Nếu tính từ ngày khởi công xây dựng nhà máy cuối năm 2005, khánh thành nhà máy vào cuối năm 2012, thì thời gian xây dựng nhà máy tròn bảy năm. Vào thời điểm này, cán bộ, kỹ sư, công nhân đang có mặt trên công trường đều đang rất phấn khởi, tập trung cao trí tuệ, trách nhiệm cho việc phát điện tổ máy số 6 thành công”.

Ði dọc hành lang các tổ máy số 1 cho đến số 5 đang vận hành, đèn tín hiệu đặt phía trên mỗi tổ máy đều báo đỏ. Anh Lê Xuân Tùng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chúng tôi bảo: Các tổ máy đang chạy điều tần, tức là để giữ ổn định lưới điện và thực hiện điều tiết tích nước hồ chứa. Tổ máy số 6 nằm ở cuối hành lang, cách tổ máy số 1 gần 200 m, hàng chục công nhân chi nhánh Công ty cổ phần Lilama 10 đang đổi ca, giao nhận công việc trông rất khẩn trương. Anh Hoàng Xuân Trường, Ðội trưởng đội Stato là người có mặt trên công trường thủy điện Sơn La từ năm 2006, trực tiếp lắp đặt cả sáu tổ máy cho biết, từ tổ máy số 1 đến hôm nay đội của anh đã phải dùng đến 15 cuốn sổ khổ A4 để ghi chép nhật ký, bàn giao ca. Cũng từ tổ máy số 1, tiến độ cứ sau bốn tháng lại lắp đặt thành công, đưa vào vận hành phát điện một tổ máy. Riêng tổ máy số 6, thời gian lắp đặt lâu hơn, do phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ thiết bị theo gói thầu lô hàng. Công việc của các đội tua-bin, rô-to và stato đều đã cơ bản hoàn thiện việc lắp đặt và hiệu chỉnh các chi tiết cuối cùng tổ máy số 6, bảo đảm bàn giao đúng kế hoạch. Theo chỉ đạo của Ban Ðiều hành, cán bộ, công nhân của công ty lúc này đang phải tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra bất cứ một sơ suất nào dù nhỏ. Quan sát trong gian máy, chúng tôi thấy bên cạnh trang phục mầu xanh, mũ trắng của công nhân lắp máy Lilama còn các mầu trang phục khác của Ban quản lý dự án nhà máy, Công ty thủy điện Sơn La, Xí nghiệp thí nghiệm điện và nhà thầu cung cấp thiết bị An-tom đang sát cánh bên nhau thực hiện công việc.

Theo báo cáo trình đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội đến nhà máy hôm 10-9 vừa qua thì cả năm tổ máy đã lắp đặt đi vào vận hành đều bảo đảm an toàn tuyệt đối và đạt công suất thiết kế. Ðến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình chính và lắp đặt các thiết bị cơ khí thủy công đáp ứng tiến độ. Công tác thu dọn lòng hồ và công tác bảo tồn, phát huy các di sản lòng hồ đã hoàn thành trước khi tích nước hồ chứa. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước kết luận: Ðập thủy điện Sơn La bảo đảm an toàn theo thiết kế. Quá trình nước dâng lên trên cao độ 215 m, qua số liệu quan trắc đặt trong thân đập cho thấy trạng thái làm việc bình thường, các hành lang cao độ 105 m và 138 m, lượng nước thấm vào hành lang thấp hơn so  tính toán thiết kế. Hiện nay, nhà máy có hơn 20 cán bộ, công nhân chuyên làm nhiệm vụ quan trắc, bảo đảm an toàn cho công trình. Tại các vị trí trong thân đập, đỉnh đập, bên ngoài bờ đập đều được lắp đặt các thiết bị quan trắc, kiểm tra, báo động tiên tiến nhất. Ðây là năm thứ ba thực hiện tích nước, đập thủy điện Sơn La hoàn toàn khô ráo, an toàn bảo đảm theo thiết kế.

Chúng tôi được biết, để tiếp thu công nghệ, vận hành nhà máy, những năm vừa qua, cùng với việc xây dựng công trình, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ sư. Cách làm của Công ty thủy điện Sơn La áp dụng là đưa cán bộ, kỹ sư tiếp cận ngay với thiết bị máy móc từ khi chọn thầu thiết bị, vận chuyển thiết bị về nhà máy, cùng tham gia lắp đặt, giám sát kỹ thuật với các nhà thầu. Hiện nay, công ty có 350 cán bộ, công nhân kỹ thuật thì có 120 cán bộ, kỹ sư, trong đó 70 kỹ sư đang tiếp tục được đào tạo các chuyên ngành sâu về điện, bảo đảm trình độ vận hành theo hệ thống phân phối GIS 500 kV là hệ thống quản lý, phân phối điện hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Ngày phát điện tổ máy số 6 đang đến gần, công tác chuẩn bị cho khánh thành nhà máy cũng đang được triển khai tích cực. Bên bờ trái đường vào nhà máy, ở vị trí trạm trộn bê-tông RCC cũ, trên diện tích hơn hai ha chúng tôi thấy đang san gạt xây vườn hoa, cây cảnh, cổng nhà máy. Bên trong, một bức phù điêu bằng bê-tông cao 3,2 m, dài 130 m thể hiện quá trình xây dựng nhà máy của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia lao động trên công trường. Bên bờ phải, trên đồi trồng cây lưu niệm, đặt một bức phù điêu cao 3,2 m, dài 40 m thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Sơn La – Tây Bắc tham gia đóng góp xây dựng nhà máy. Ngoài ra, để phục vụ cho khách tham quan du lịch, chủ đầu tư còn cho trải thảm áp-phan và đổ bê-tông đường chạy chung quanh nhà máy rộng 9 đến 14 m, tổng chiều dài lên đến 25 km.

Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia – bậc thang thứ hai trên sông Ðà, với sáu tổ máy công suất 2.400 MW đang đi đến chặng cuối cùng hoàn thành toàn bộ xây dựng nhà máy. Dòng điện từ tổ máy số 6 đang chuẩn bị bừng sáng, hòa vào lưới điện quốc gia. Ðó không chỉ là niềm vui của cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng Thủy điện Sơn La, mà còn là niềm vui chung của nhân dân cả nước, đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn tiến lên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét