Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Hàn Sơn vang vọng



Hàn Sơn Tự – một địa danh nổi tiếng của TP Tô Châu xinh đẹp ở Trung Quốc bởi tiếng chuông chùa và bài thơ Phong kiều dạ bạc.

Nói đến Cô Tô xưa, nay là Tô Châu – thủ phủ của tỉnh Giang Tô, người ta thường nhắc tới Hàn Sơn Tự. Đây không chỉ là một trong những địa danh nổi tiếng của TP Tô Châu mà còn là một trong 10 ngôi chùa đẹp và danh tiếng nhất Trung Quốc.

Ngôi chùa cổ này tọa lạc bên kênh Kinh – Hàng (con kênh đào cổ xưa và dài nhất thế giới) nằm ở phía tây của trấn Phong Kiều, cách trung tâm TP Tô Châu khoảng 5 km. Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ VI với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện, về sau đổi thành Hàn Sơn.

Chùa Hàn Sơn nổi tiếng như ngày nay nhờ bài thơ bất hủ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế sáng tác trước năm 754. Ông sáng tác khá nhiều thơ, nhưng người đời sau chỉ nhớ bài Phong Kiều dạ bạc. Bài thơ tuyệt diệu này đã đưa Trương Kế lên một vị trí lớn trong Đường thi. Đây còn được xem là kiệt tác trong văn học Trung Hoa chỉ với 4 câu:

"Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự,
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền."

Bài thơ được thi sĩ Tản Ðà dịch như sau:

"Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn".

  Nhờ tiếng chuông trong bài thơ Phong kiều dạ bạc chùa Hàn Sơn trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách.

Hơn ngàn năm trước, Hàn Sơn Tự nằm tĩnh lặng bên bến Phong Kiều, còn bây giờ, ngôi chùa cổ này lúc nào cũng tấp nập khách hành hương, thăm viếng. Người ta đến đây không chỉ vì niềm tin tâm linh mà còn bởi muốn được tận tai nghe tiếng "chuông chùa Hàn Sơn", tận tay một lần thỉnh chuông và tận mắt nhìn "bến Phong Kiều". Cũng nhờ bài thơ cổ này mà đến Tô Châu ai cũng háo hức đi thăm Hàn Sơn Tự.

Chùa Hàn Sơn cũng giống như tất cả các chùa ở Trung Hoa đều thờ Phật tổ Thích Ca ở chính điện, một bên chùa thờ Phật Quan thế âm, một bên thờ hàng trăm vị la hán. Ở cửa vào đón khách luôn là nơi thờ Phật Di Lặc.

Hai bên lối vào chùa là 4 vị thiên vương Phong, Lôi, Vân, Hỏa. Theo thuyết minh của cô hướng dẫn viên, nếu tinh ý, chỉ cần nhìn vào chân của 4 vị thần này sẽ biết được thời gian xây dựng chùa. Nếu như chân của họ đứng vững chãi như ở chùa Hàn Sơn thì đó là ngôi chùa có tuổi trên 500 năm. Nếu 4 vị này đều có một chân nhấc lên thì đây là chùa được xây sau này.

Trong khuôn viên của chùa Hàn Sơn, Chung lâu (lầu chuông), vẫn là nơi được du khách đến chiêm ngưỡng nhiều hơn cả. Ở đây có treo một quả chuông đồng nặng 2 tấn. Đây không phải là quả chuông "gốc" mà xưa kia khi gióng lên đã làm xao xuyến hồn thơ Trương Kế, khiến ông nảy sinh cảm hứng sáng tác nên những vần thơ được xem là hay nhất trong nền văn học Trung Hoa. Quả chuông này được đúc vào năm 1906 để thay cho quả chuông cổ đã bị mất khoảng 10 thế kỷ trước. Tuy nhiên, ngày nay trước Chung lâu nhiều người vẫn xếp hàng chờ đến lượt để tự tay gióng lên một tiếng chuông thiêng. Chỉ có điều, muốn thực hiện được điều này, bạn phải chi ra 5 tệ.

Hàn Sơn là ngôi chùa có sự hài hòa về kiến trúc, cân đối giữa cảnh, vật và cây cối trồng trong khuôn viên. Hàn Sơn Tự có những tòa tháp cao bằng gỗ mộc mạc mà  tinh tế, nhiều kiến trúc trang nghiêm và cổ kính như Ðại Hùng Bửu Ðiện, Phổ Minh Tháp Viện, Hàn Thập Ðiện, La Hán Ðường, Hàn Tháp Ðình, Phương Trượng Thư, Hoằng Pháp Ðường, Tàng Kinh Lâu (lầu lưu trữ kinh thư nhà Phật), Tăng Ðường và vườn Phong Kiều…

Chùa Hàn Sơn thờ sự hòa hợp: hòa bình của thế giới, hòa hợp cho Quốc gia, hòa quyện tâm hồn cho chồng vợ, lứa đôi. Không gian trong chùa yên tĩnh, lúc nào cũng thoang thoảng mùi trầm hương thơm khiến tới đây ta cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái. Ở khu chính có thờ hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc, một vị cầm hoa, một vị cầm lọ tượng trưng cho sự hòa hợp, gắn bó.

Vì thế, ngày nay, nhiều người tới chùa Hàn Sơn cũng để cầu duyên, kể cả người nước ngoài. Theo lời kể của người hướng dẫn viên, có một người đàn ông từ Singapore tới đây cầu duyên và khi trở về nước ông đã tìm được ý trung nhân của mình rước về dinh. Sau đó, ông này đã đúc một quả chuông tặng chùa.

Chung quanh tên gọi của ngôi chùa cũng có nhiều giai thoại, nhưng đều liên quan tới tình bạn cảm động của hai nhà sư trụ trì nơi này là Hàn Sơn và Thập Đắc.

Chuyện rằng, ở một miền quê nọ có hai người bạn là Hàn Sơn và Thập Đắc thân thiết với nhau như anh em. Tới một ngày gia đình đi hỏi vợ cho mình, Hàn Sơn mới vỡ lẽ cô dâu tương lai chính là người yêu của bạn mình. Không muốn đau lòng Thập Đắc, Hàn Sơn lẳng lặng từ hôn, bỏ quê ra đi. Phiêu dạt đến Cô Tô (nay là Tô Châu), Hàn Sơn dừng chân tại ngôi chùa này. Trong khi đó, cho rằng vì mình mà Hàn Sơn phải tha hương, Thập Đắc cũng bỏ quê đi tìm. Cuối cùng như duyên trời định hai người gặp lại nhau và cùng tu tại đây.

Vì thế, đến thăm Hàn Sơn tự du khách còn được chiêm ngưỡng bức bích họa nổi tiếng mang tên "Hàn Sơn – Thập Đắc" được khắc trên đá của danh họa đời Thanh – La Sính Sở. Ngoài ra, trong chùa Hàn Sơn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, đặc biệt là tấm bia đá khắc bài thơ nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.

Cùng ngắm một số hình ảnh trong khuôn viên chùa Hàn Sơn:

 

Cổng vào chùa Hàn Sơn.            

 

Trước cửa Phật  chiếc lư hương khổng lồ. Nhiều người đã tung những đồng xu nhỏ vào đó để cầu may.

  Các bàn thờ Phật trong chùa được bày biện đơn giản, chỉ toàn hoa, nến nhưng vẫn đẹp và trang trọng. Đằng sau là hàng trăm vị la hán.

 

Nơi đặt chuông chùa Hàn Sơn. Tiếng chuông chùa Hàn Sơn đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể 
của miền Giang Nam. Nó có thể vang xa hàng chục dặm.

 Cổng vào chính điện

 

Ngôi tháp này do Nhật Bản xây dựng nên mang phong cách của đất nước mặt trời mọc

  Tượng hai vị sư trụ trì chùa  – hai người bạn thân – Hàn Sơn và Thập Đắc trong chùa Hàn Sơn

 

Nhiều người cho rằng, đã đến Tô Châu mà không tới Hàn Sơn Tự thì cũng coi như chưa đến Tô Châu

  Chùa Hàn Sơn thờ sự hòa hợp: hòa bình của thế giới, hòa hợp cho Quốc gia, hòa quyện tâm hồn cho chồng vợ, lứa đôi.

  Bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, một tuyệt tác trong nền văn học Trung Hoa.được khắc trên đá cũng là tâm điểm chú ý của du khách khi tới Hàn Sơn Tự

 Trong chùa trồng rất nhiều cây ngân hạnh, Tới mùa thu, lá ngân hạnh đổi sang một màu vàng lấp lánh. Vì thế, nó còn được gọi là cây kim tiền. Nhiều người tới đây đã nhặt những chiếc lá nhỏ giữ trong ví với hy vọng tràn trề…

  Chùa Hàn Sơn có sự hài hòa về kiến trúc, cân đối giữa cảnh, vật và cây cối trồng trong khuôn viên

 Trong chùa có rất nhiều quả chuông đúc từ những niên đại khác nhau

 

Những dải lụa đỏ được người đến chùa buộc vào những cây ngân hạnh vào dịp đầu năm mới với những ước muốn riêng. Đến cuối năm, những dải lụa này mới được tháo xuống.

 

Không ít du khách đến từ các nước phương Tây đến Hàn Sơn Tự để chiêm ngưỡng một trong mười ngôi chùa đẹp và danh tiếng nhất Trung Quốc và tận mắt ngắm quả chuông thiêng ở đây.

 

Con sông này gọi là Hào Thành (phía truớc chùa) đuợc đào để Càn Long đi thuyền thăm thú Giang Nam (bao gôm Tô Châu, Hàng Châu).

 Nét xưa còn lại bên bến Phong. Xa xa là Tô Châu đang đổi thay và phát triển.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét