Đây không chỉ là phim tài liệu thông thường mà với cá nhân đạo diễn, nó là một sự tri ân với vùng đất mà anh thấy mắc nợ…
Sơn La, cái tên thân thương với đạo diễn Nguyễn Thước từ khi anh mới vào nghề và trở thành mảnh đất tạo mối lương duyên của anh với điện ảnh tài liệu. Học quay phim ở Trường ĐH Sân khấu điện ảnh HN, các bài tập của Nguyễn Thước đều làm phim truyện và cuối khóa học, anh cũng làm một phim truyện để tốt nghiệp, nhưng thấy thời gian còn, thế là Nguyễn Thước quay thử thêm một phim tài liệu.
Và làm xong "Mẹ dạy cho em" (phim tài liệu về trang phục dân tộc Thái) là anh mê liền. Mê vùng đất có con sông Đà trữ tình mà hung dữ trong văn Nguyễn Tuân, và cũng mê luôn nghề làm phim tài liệu. Quyết định vụt đến với anh như tia chớp và thành bước ngoặt trong cuộc đời anh. Bằng tài năng, sự bền bỉ, nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Thước đã từng bước khẳng định mình từ quay phim xuất sắc đến đạo diễn xuất sắc của phim tài liệu VN, bằng hàng loạt giải thưởng quốc gia với các phim tiêu biểu như "Sự nhọc nhằn của cát", "Những công dân @", , "Ngày cuối cùng của chiến tranh"; "Không chỉ là thương hiệu" "Chất xám", "Đất lạnh" …
Đã đặt chân tới hầu khắp mọi miền tổ quốc, nhưng Sơn La vẫn là nơi Nguyễn Thước nặng tình nhất. Năm 1992, anh quay chính cho bộ phim "Dòng sông ánh sáng" của đạo diễn Lê Mạnh Thích làm về thủy điện Hòa Bình và đoạt giải quay phim xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 10. Năm 2010, bộ phim "Từ Thác Bà tới Sơn La" (kịch bản Đào Thanh Tùng) do Nguyễn Thước làm đạo diễn, dài 30 phút, là phim chiếu chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI. Và hiện giờ là phim "Nhà máy thủy điện Sơn La" (kịch bản: Lê Thị Thiện Đoan, quay phim Vương Khánh Trần Linh) với độ dài khoảng 35 phút.
Đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ: Phim thể hiện và khẳng định hành trình, ý chí những người VN dám nghĩ dám làm, đã hy sinh những ngày tháng đầm ấm bên gia đình, đổ bao mồ hôi, nước mắt vượt qua nắng lửa, mưa bão, chung tay vì dòng điện cho tổ quốc.
Đó là những người đi trước thời gian đã tạo nên một công trình lớn lao được ví như "kỳ tích" với hàng loạt cái "nhất" (dự án thủy điện lớn nhất VN và Đông Nam Á: Công suất lắp máy: 2.400MW, điện lượng trung bình hằng năm 10,246 tỉ kWh, đập thủy điện lớn nhất VN, hồ chứa thủy điện lớn nhất VN… đến công trình thủy điện có số hộ dân di dời lớn nhất với 20.260 hộ…) hòa vào dòng chảy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Và điều quan trọng là đây là công trình phát huy mạnh nhất nội lực VN với sự tham gia của các nhà thầu đều là những đơn vị thi công thủy điện năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm hàng đầu VN cũng như các thiết bị thi công trong nhà máy, không ít đều là hàng VN, với chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực VN…
Bộ phim không chỉ là biên niên sử về công trình, từ khi Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương xây Nhà máy thủy điện Sơn La (tháng 6.2001), lúc khởi công và ngăn sông đợt 1 (2.12.2005), phát điện tổ máy 1 lên lưới điện quốc gia (17.12.2010) vượt tiến độ sớm 2 năm,… cho đến thời điểm phát điện tổ máy số 6 (tháng 9.2012) rồi khánh thành nhà máy cuối tháng 12.2012, mà còn khắc họa khái quát tập thể những con người đã xả thân vì công trình.
Khi được hỏi ấn tượng về những con người – nhân vật trong phim, đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nói: Đó là Anh hùng Lao động- tiến sĩ Thái Phụng Nê – phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó ban Chỉ đạo nhà nước công trình thủy điện Sơn La – gắn bó với công trình từ khi mới phôi thai. Là các đồng chí lãnh đạo trong Ban quản lý Dự án thủy điện Sơn La, nhà máy, đơn vị thi công … và những kỹ sư, công nhân đã sống gần trọn những năm tháng tuổi trẻ với thủy điện Hòa Bình.
Phim cũng đề cập đến cuộc di dân lớn nhất từ trước tới nay mà mô hình tái định cư triển khai thí điểm đợt đầu không tránh khỏi ít nhiều bất cập. Còn những hình ảnh ghi lại sinh hoạt văn hóa, đời sống của một số bản tái định cư, phát biểu già làng tạo cho phim sự chân thực, gửi gắm thông điệp: Vẻ đẹp giá trị di sản tinh thần, văn hóa nằm ở ngay trong mỗi con người, dù có thay đổi địa bàn sinh sống cũng không mất đi được .
Phần kết phim sẽ là hình ảnh khởi công ngăn dòng thủy điện Lai Châu. Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu – cả ba công trình của hôm qua, hôm nay và ngày mai đều mang tên chung:
Thủy điện Sông Đà.
Vượt lên những sự khắc họa đơn thuần về một công trình mang tầm vóc của trí tuệ, sức mạnh VN, bộ phim còn là câu chuyện của dòng sông Đà, vừa trữ tình vừa hung dữ, nhưng là dòng sông năng lượng lớn nhất mà nhà văn Nguyễn Tuân đã dành những ngôn từ đẹp của văn chương để miêu tả "con sông tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo…".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét